Các ngày lễ lớn ở New Zealand

Hàng năm New Zealand có 11 ngày nghỉ lễ (public holidays), trong đó có 10 ngày lễ quốc gia và 1 ngày lễ theo vùng.

 

Cũng giống như nghỉ lễ ở Việt Nam, hầu hết các cơ quan nhà nước đều nghỉ làm, học sinh được nghỉ học, một số nhà hàng đóng cửa, ngân hàng cũng không làm việc vào những ngày này.

 

Nếu nhân viên đi làm vào ngày lễ sẽ được tính 1.5 lương thông thường. Điều này được ghi rõ trong hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Nếu bạn chưa biết thì cùng chúng mình tìm hiểu những ngày lễ ở New Zealand nhé!

NHỮNG NGÀY LỄ QUỐC GIA

 

    • New Year’s Day
    • Day after New Year’s Day
    • Waitangi Day
    • Good Friday
    • Easter Monday
    • Anzac Day
    • Queen’s Birthday
    • Labour Day
    • Christmas Day
    • Boxing Day

 

THAM KHẢO THÊM TẠI ĐÂY

 

Ý NGHĨA CÁC NGÀY NGHỈ LỄ

1.Ngày đầu năm mới và ngày mùng 2

 

Một sự thật thú vị là NZ là quốc gia đón năm mới sớm nhất trên thế giới!

Đêm giao thừa mỗi tỉnh/thành phố sẽ có bắn pháo hoa tưng bừng và đếm ngược (countdown) đón chào năm mới. Auckland sẽ có bắn pháo hoa ở Sky Tower.

 

Năm mới là dịp người kiwis dành cho gia đình, bạn bè người thân. Họ tổ chức những buổi tiệc BBQ ngoài bãi biển, hoặc mời bạn bè tới nhà chơi, hoặc họ tranh thủ thời gian nghỉ lễ để đi du lịch.

 

Tết ở NZ là mùa hè nên các hoạt động ngoài bãi biển hoặc những chuyến đi biển rất phổ biến vào dịp này.

Nếu Tết ở VN là 3 ngày thì Tết ở NZ là 2 ngày, mùng 1-2 tháng 1. Nhiều người không biết rằng Day after New Year’s Day cũng là ngày lễ, nên bạn được nghỉ học, nghỉ làm, nếu đi làm sẽ nhận được 1.5 lương. Quá tốt phải không?

 

năm mới new zealand
  • Save

 

2. Waitangi Day

Ngày 6 tháng 2 năm 1840 một hiệp ước được ký kết bởi các đại diện của Vương quốc Anh và các tù trưởng người Maori của New Zealand – Hiệp ước Waitangi.

 

Hiệp ước này đã biến New Zealand thành một phần của Vương quốc Anh, đồng thời công nhận quyền sở hữu của người Maori về đất đai, rừng và các tài sản khác của họ, và cho người Maori quyền lợi của công dân Anh.

 

Hiệp ước nhằm để đảm bảo rằng khi tuyên bố chủ quyền của Anh trên New Zealand được thực hiện bởi Thống đốc William Hobson vào tháng 5 năm 1840, người Maori sẽ không cảm thấy rằng quyền lợi của họ đã bị bỏ qua.

Đây được xem như ngày Quốc khánh của New Zealand.

bảo hiểm new zealand

quốc khánh new zealand
  • Save

3. Lễ Phục sinh – Easter Monday

Lễ Phục sinh được coi là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người theo Kitô giáo, diễn ra vào tháng 4 hàng năm, để tưởng niệm sự kiện chết và sống lại (phục sinh) của chúa Giê su.

 

Những tín đồ Kitô đến nhà thờ tham dự thánh lễ, về nhà tổ chức tiệc mừng và tặng nhau những quả trứng phục sinh sặc sỡ – biểu tượng của sự sống và mùa xuân tràn đầy hy vọng. Một số công ty sẽ phát trứng socola cho tất cả nhân viên bất kể họ có theo Kitô giáo hay không.

 

Dịp lễ kéo dài từ thứ 6 (Good Friday) đến thứ 2 tuần tiếp theo (Monday Easter), nên người dân sẽ có 4 ngày nghỉ liên tiếp.

 

4. Anzac Day

New Zealand và Úc tổ chức ngày Anzac 25/4 hàng năm để tưởng nhớ những người lính của Úc và New Zealand hy sinh trong chiến dịch Gallipoli, Thổ Nhĩ Kỳ trong thế chiến thứ I.

 

Anzac là từ viết tắt của Australian and New Zealand Army Corps (Quân đội Úc và New Zealand). Về sau ngày Anzac cũng để tưởng niệm tất cả binh lính chết trong chiến tranh và những người hy sinh trong công cuộc gìn giữ hòa bình.

 

Hoa anh túc đỏ được sử dụng như biểu tượng tưởng niệm liệt sĩ từ năm 1920 ở các quốc gia nói tiếng Anh. Ngày nay chúng được sử dụng phổ biến ở Anh quốc và các nước trong khối thịnh vượng chung Anh. Người dân cài một bông hoa anh túc đỏ lên ngực áo và đặt các vòng hoa tại đài tưởng niệm và phần mộ liệt sĩ.

anzac day new zealand
  • Save

 

5. Sinh nhật Nữ Hoàng – Queen’s Birthday

Elizabeth II là Nữ Hoàng của 16 quốc gia trong khối thịnh vượng chung, trong đó có New Zealand. Hàng năm New Zealand tổ chức sinh nhật cho nữ hoàng vào ngày thứ 2 đầu tiên của tháng 6. Vào ngày này, trường học, cơ quan nhà nước và nhiều doanh nghiệp đóng cửa.

 

Đây cũng là dịp nghỉ lễ dài (3 ngày) nên người dân có dịp nghỉ ngơi, đi du lịch và đi trượt tuyết vì các khu trượt tuyết ở New Zealand sẽ khai trương vào dịp lễ này.

nữ hoàng anh đệ nhị
  • Save

 

 

6. Lễ lao động – Labour Day

Labor Day – ngày lễ lao động được tổ chức vào ngày thứ Hai thứ 4 của tháng 10 hàng năm. Nó có nguồn gốc từ phong trào đấu tranh đòi làm việc 8 giờ mỗi ngày bắt đầu từ thế kỷ XIX.

 

Phong trào này được khơi mào bởi một người cụ thể. Tại thành phố Wellington khi đó mới được thành lập, một người thợ mộc tên là Samuel Parnell đã từ chối làm việc hơn tám giờ một ngày.

 

Chính phủ New Zealand đã chính thức quy định rằng ngày này là ngày nghỉ lễ từ năm 1900, sau khi Quốc hội thông qua Đạo luật Ngày Lao động 1899.

 

New Zealand là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng ngày làm việc 8 giờ, ban đầu chỉ giới hạn đối với công nhân và người lao động, sau này là cho toàn thể dân chúng.

 

7. Giáng Sinh

Nếu nghĩ Giáng sinh bạn nghĩ đến tuyết trắng ngập trời, thời tiết lạnh căm căm, xe trượt tuyết và lò sưởi thì khoan, giáng sinh ở New Zealand sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Vì tháng 12 là mùa hè ở châu Úc, nên giáng sinh của kiwi sẽ là tắm nắng ngoài bãi biển, những buổi tiệc bbq ngoài trời, lướt sóng…

 

Một vài sự thật về Giáng sinh New Zealand:

  • Giáng sinh đầu tiên

Trước khi tiếp xúc với người Âu thì Giáng sinh không có ý nghĩa gì đối với New Zealand (Aotearoa). Ngày lễ đặc biệt được tổ chức lần đầu tiên New Zealand vào năm 1642 khi đoàn người của Abel Tasman du hành đến đất nước này.

 

  • Giáng sinh thứ 2

Lễ kỷ niệm Giáng sinh tiếp theo ở New Zealand xảy ra trong chuyến thám hiểm đầu tiên của James Cook vào năm 1769. Họ đã đánh dấu dịp này bằng cách thưởng thức món “Goose pie” cho bữa tối Giáng sinh của họ trong khi chiến đấu với biển lớn ngoài khơi của Đảo Bắc.

 

  • Cây Giáng sinh

Người dân kiwi mua những cây thông tươi/cây thông giả được bán sẵn để trang trí cho dịp lễ Giáng sinh.

 

Ngoài ra cây pohutukawa (Metrosideros excelsa) đã trở thành một phần lâu đời trong truyền thống Giáng sinh của người New Zealand. Sở dĩ loài cây này được coi là cây Noel (Christmas tree) vì cứ gần đến Giáng sinh thì những bông hoa đỏ thắm bắt đầu nở rộ rực rỡ.

 

Cây pohutukawa mọc ở hầu hết các bãi biển dọc theo bờ biển phía đông của New Zealand. Những bông hoa màu đỏ tươi tạo nên một cảnh tượng tuyệt vời cho Giáng sinh.

 

hoa giáng sinh new zealand
  • Save

 

  • Santa parades

Các cuộc diễu hành của ông già Noel diễn ra khắp New Zealand vào tháng 11 hoặc tháng 12 hàng năm. Truyền thống này bắt đầu vào đầu những năm 1900 bởi các cửa hàng bách hóa để thu hút khách hàng trực tiếp đến cửa hàng của họ. Sự kiện này thu hút rất nhiều người dân và khách du lịch.

 

  • Boxing Day

Boxing Day có nghĩa là “ngày tặng quà”, phổ biến ở nhiều quốc gia trong khối Thịnh vượng chung, trong đó có New Zealand.

 

Theo truyền thống, đó là ngày để các ông chủ ở Anh thưởng tiền, thức ăn thừa hoặc quần áo cũ cho gia nhân của họ, hoặc để các lãnh chúa tặng nông cụ và hạt giống trong năm tới cho người làm. Những món quà này được tặng trong một chiếc hộp. Một số người cho rằng đây là lý do mà ngày 26 tháng 12 được gọi là Boxing Day – Ngày tặng quà.

 

Nhiều cửa hàng đóng cửa vào Giáng sinh nhưng sẽ mở lại vào Boxing Day để buôn bán vì đây là một trong những dịp giảm giá khủng nhất ở New Zealand. Người dân, nhất là các bạn trẻ nô nức đi mua sắm, hàng hóa được giảm giá 50% – 70% vào dịp này.

 

KẾT BÀI

Ngoài những ngày lễ trên thì mỗi một thành phố/vùng sẽ có những ngày nghỉ lễ riêng, vì thế mà ngoài những ngày lễ quốc gia kể trên thì người dân ở những vùng đó còn có thêm vài ngày nghỉ nữa.

Chúc các bạn nghỉ lễ vui vẻ!

5 1 Đánh Giá
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT
Theo dõi
Thông báo
guest
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi nội tuyến
Xem hết bình luận