Làm tài khoản ngân hàng và IRD

Trước khi bay sang New Zealand mình may mắn đã hỏi được việc làm farm từ một bạn đi WHD năm trước. Y cũng xin được việc cùng chỗ với mình luôn.

 

Đấy cũng là lý do hai đứa bay sang NZ cùng chuyến bay để đi đâu làm gì cũng đỡ sợ. Mà trước khi bắt đầu công việc mình phải có số tài khoản ngân hàng để chủ trả tiền và mã số thuế cá nhân để đóng thuế. 

 

Ngày thứ 2 ở New Zealand. Hai đứa mình dậy sớm đi ra Kiwibank ở Countdown hỏi xem ngân hàng cần những giấy tờ gì để mở Bank Acc và tiện thể làm IRD. Khác với những trụ sở ngân hàng hoành tráng như ở Việt Nam, ngân hàng ở đây buồn cười lắm, chỉ là một quầy trong siêu thị và (đối với Kiwibank) bank với Post Shop (bưu điện) cạnh nhau luôn. Mỗi quầy có 1 nhân viên và nhân viên của hai quầy này có thể làm thay thế cho nhau.

 

Nếu muốn nhanh thì nên đặt hẹn trước, không thì đến sớm. Hồi đấy mình thấy gì cũng bỡ ngỡ, sau này đi những thành phố khác thì thấy ngân hàng của họ tùy địa điểm mà xây to hay bé, nhưng nhìn chung Kiwibank thì vẫn không đổi, nghĩa là có cả ngân hàng và bưu điện cùng một chỗ.

Bank Acc: để mở tài khoản ngân hàng cần phải có xác nhận địa chỉ của chủ nhà rằng mình ở cùng địa chỉ đấy. Chủ nhà chỉ cần viết cái giấy xác nhận rồi kí tên ở dưới, kèm theo một hợp đồng thuê nhà, hoặc hóa đơn điện nước, hoặc thư miễn là có tên chủ nhà và địa chỉ; passport bản gốc của mình và một bản sao nữa là được.

 

Hồi đó mình chọn Kiwibank chỉ vì …cái tên của nó. Đến xứ sở kiwi thì mình cũng xài ngân hàng kiwi luôn. Nếu không thích kiwi thì bạn có thể lựa chọn nhiều ngân hàng khác như ANZ, BNZ, ASB, Westpac…

Bao hiểm du học new zealand

 

  • Save

 

IRD: Thông thường thì làm mã số thuế cá nhân tại văn phòng Inland Revenue sẽ nhanh hơn. Hoặc là nộp giấy tờ qua bưu điện hoặc có thể làm online. Bữa ra ngân hàng mình mang cả đống giấy tờ đi làm IRD luôn. Tờ khai thì có trong Post Shop, tự lấy rồi điền vào. Hồ sơ bao gồm: bằng lái xe bản gốc + bản sao, passport bản gốc + bản sao, visa.

 

 

Bằng lái xe VN của mình không có ngày hết hạn nên họ đành phải điền bừa một ngày vào đó. Mang bản gốc bằng lái xe đi là để đối chiếu rồi họ trả lại ngay. Nhân viên ở đó bảo 10 ngày làm việc sau mới có và họ sẽ gửi về địa chỉ mà bạn điền trên form. Các bạn khác làm chỗ khác thì sau mấy ngày là lấy được, có lẽ làm ở Post Shop là lâu nhất.

 

Mấy bạn khác làm ở Inland Revenue sau 2 – 3 ngày lấy được, tốn 20$. Bọn mình làm ở bưu điện thì không mất phí. Bây giờ nhiều bạn chọn apply IRD online. Cách làm cụ thể đã được chia sẻ ở bài viết này nhé.

 

Thứ 7, cuối tuần người dân ở đây sẽ cắt cỏ và dọn dẹp nhà cửa. Bữa đó a D kêu mấy đứa ra anh dạy cho mà cắt cỏ, biết đâu sau này là kiếm được tiền với công việc này. Có một đám cỏ trước ngõ và một đám trong vườn sau nhà bếp. Mình cũng thử xem cắt cỏ có dễ không.

 

Khởi động cái máy cắt cỏ giống như khởi động cano, kéo kéo cái dây cót đến khi máy nổ rồi chỉ việc đẩy nó chạy thôi. Cỏ đầy thì gỡ cái hộp đựng cỏ ra rồi đổ vào thùng rác. Chạy tới chạy lui cũng mượt lắm, nhưng mình không quay được cái máy khi nó chạy đến góc, cứ loay hoay mãi rồi anh D cũng phải lôi nó ra cho mình 😁

 

Ở đây mỗi nhà đều có ít nhất 3 cái thùng rác với kích thước khác nhau, cái nhỏ nhất nắp màu vàng đựng đồ ăn thừa, vỏ hoa quả. Thùng có nắp màu đỏ lớn hơn đựng rubbish (rác thải sinh hoạt). Thùng nắp xanh lá lớn nhất đựng đồ tái chế như giấy, chai thủy tinh… Cách phân loại rác ngay từ nơi sản xuất như thế này giúp tiết kiệm rất nhiều nhân công và chi phí cho phân loại rác.

 

Sau này mình mới biết các vùng sẽ phân loại màu thùng rác khác nhau, ví dụ: ở Auckland, thùng rác vàng để đựng rác tái chế, còn thùng rác xanh để đựng vỏ hoa quả, cây cỏ, … và bạn phải trả thêm tiền để có thùng rác đó.

 

Mình rủ Y đi bộ ra University of Canterbury chơi và tranh thủ ngắm nghía ít hiệu sách bên đó. Trường đẹp quá, cái cảnh sinh viên nằm, ngồi trên bãi cỏ, túm năm tụm bảy học bài không phải chỉ có trong tivi nữa rồi. Vào đến hiệu sách mình mê mẩn với đủ các loại sách từ tâm lý, khoa học, giáo dục, body & mind… đến các thứ stationary như tẩy, bút chì, gọt chì, giấy nhớ, … ôi trời ơi đủ các thứ lặt vặt trên đời đều ở đó. Giá cả thì tùy từng loại, nhìn chung là đắt hơn ở VN chút.

 

Không có nhiều thời gian lang thang ở đây, bọn mình đến hiệu sách và tham quan đủ thứ rồi phải về để sang nhà Nathan, nhà cậu bạn trên Couch Surfing mà mình đã liên hệ từ Việt Nam.

 

5 1 Đánh Giá
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT
Bao hiểm du học new zealand
Theo dõi
Thông báo
guest
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi nội tuyến
Xem hết bình luận