Cuộc sống ở New Zealand như thế nào? (Phần 1)

Trước khi sang New Zealand mình đã lên internet tìm hiểu qua về đất nước này. Nhưng các bài viết, thường là của mấy trung tâm tư vấn du học, hầu như toàn ca tụng New Zealand dễ khiến người đọc ngỡ đây là thiên đường.

 

Thực tế thì ở đâu cũng có this that nên bài viết này mình viết cho những bạn đang quan tâm cuộc sống ở New Zealand, có ý định sang đây du học, du lịch và định cư hoặc đơn giản là chỉ tò mò về xứ cừu thôi nè. Let’s go!

(Lưu ý: Đây là bài viết dựa trên quan điểm và trải nghiệm cá nhân.)

 

Bắt đầu với những điểm HAY trước nhé:

 

DÂN CƯ ÍT, CON NGƯỜI THÂN THIỆN

Nếu bạn quen sống ở Việt Nam với chật hẹp đông đúc, đi đâu cũng thấy người là người thì bạn chắc sẽ thích New Zealand ở chỗ ít người, thưa dân. Cả đất nước vỏn vẹn khoảng 5 triệu dân (số liệu năm 2021).

 

Hồi mới sang New Zealand mình đã rất ngạc nhiên vì khi ra đường gặp người qua lại người ta rất niềm nở chào, mà mình với họ có quen biết gì đâu. Anh bạn ở đây đã lâu bảo: người dân ở bên này thân thiện vậy đó. Ở thành phố lớn thì chuyện này hiếm xảy ra hơn.

 

Sống ở đây 7 năm rồi nên mình cũng thấy đủ, nhìn chung dân kiwi khá lịch sự và thân thiện, cũng có một vài người xấu tính nhưng chưa có biểu hiện kỳ thị chủng tộc rõ rệt. Còn dân của các nước khác đến thì họ mang cả văn hóa của họ đến. Ví dụ, đi đâu nghe om sòm ồn ào là biết ngay Trung Quốc, ra ngoài đường mà nghe nhạc trong xe bốc lửa như vũ trường là Ấn Độ …

 

MÔI TRƯỜNG THIÊN NHIÊN TRONG LÀNH, SẠCH ĐẸP

New Zealand được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ với nhiều núi non, sông suối, núi lửa… Đại khái đây là một nơi rất thích hợp cho các bạn thích lên rừng xuống biển, khám phá thiên nhiên kỳ vĩ, nhảy bungee, lướt ván, trượt tuyết… các hoạt động ngoài trời.

 

Sở dĩ thiên nhiên ở đây đẹp như vậy vì Chính phủ và người dân đều có ý thức bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên. Tỉ dụ New Zealand có rất nhiều cây cổ thụ trăm năm tuổi, có một số cây cổ thụ được gắn biển bảo hộ “Protected tree“. Và có hẳn một Danh sách các loài cây được bảo vệ trên trang web của Chính phủ để người dân biết cây nào được chặt, cây nào không. Việc chặt cây, hoặc chỉ tỉa cành cũng phải kiểm tra cẩn thận và xin giấy phép mới được làm, nếu không sẽ bị phạt tiền.

 

Không khí ở đây cũng cực kì trong lành. Nếu bạn từng sống ở Hà Nội đầy tiếng ồn và khói bụi thì NZ quả là thiên đường. Không khí sạch nên mọi người không ai phải đeo khẩu trang khi ra đường cả (có lẽ vậy mà khi covid19 bùng lên người dân phải tập làm quen với việc đeo khẩu trang). Ở đâu cũng có công viên, vườn hoa rộng rãi, xinh đẹp. 

 

cảnh đẹp tại new zealand
  • Save

Mt Cook – New Zealand

 

CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG

Sống ở New Zealand nhìn chung là an toàn. Trộm cắp hiếm. Các vụ bạo lực, xả súng cũng hiếm. Các chính sách bảo hiểm y tế, các dịch vụ công khá tốt. Khám bệnh thì có hơi phiền là mình phải hẹn gặp bác sĩ riêng (GP) trước (trừ những trường hợp cần cấp cứu).

bảo hiểm new zealand

 

Nếu cần phải đến bệnh viện thì bác sĩ riêng sẽ viết giấy giới thiệu rồi mình cầm giấy đó đến bệnh viện khám. Những ai có work visa từ 2 năm trở lên, thường trú nhân sẽ được hưởng chính sách y tế miễn phí như người bản địa, cảm giác rất yên tâm.

 

Năm 2021, một cuộc khảo sát các thành phố “đáng sống” nhất thế giới được thực hiện bởi Economist Intelligence Unit (EIU), dựa trên 5 tiêu chí:

  • Sự ổn định
  • Chăm sóc sức khỏe
  • Văn hóa
  • Môi trường, giáo dục
  • Cơ sở hạ tầng

đã cho kết quả: thành phố Auckland, New Zealand vươn lên đẫn đầu bảng xếp hạng các thành phố đáng sống nhất thế giới, thế chỗ thủ đô Vienna của Áo. Bên cạnh Auckland, thủ đô Wellington cũng có tên trong top đầu với vị trí thứ 4.

 

Thứ hạng cao của hai thành phố New Zealand đến từ những biện pháp cứng rắn và thành công trong ứng phó với đại dịch Covid-19, cho phép người dân tận hưởng cuộc sống như trước khi đại dịch bùng phát.

 

MÔI TRƯỜNG TỐT ĐỂ TỰ LẬP

Mình đã gặp rất nhiều bạn trẻ, nhiều em sinh viên mới 18 tuổi, sang New Zealand bắt đầu cuộc sống mới ở một đất nước xa lạ và buộc phải tự lập. Nhiều bạn ở Việt Nam không hề biết nấu ăn, đến cắm cơm cũng chưa từng làm, mà sang đây là biết nấu tuốt, vì ăn mì mãi thì ngán, ăn ngoài thì đắt và không ngon.

 

Bản thân mình chưa bao giờ nghĩ đến việc mình có thể nấu các món như phở, bún bò Huế, bò kho, bún riêu… vì ở VN chỉ cần chạy ra đầu ngõ là mua được, quá tiện. Nhưng sang đây rồi khi thèm đồ ăn Việt Nam, mà ít có nhà hàng Việt nào bán đồ Việt ngon lại còn đắt nữa, nên muốn ăn đành phải lăn vào bếp thôi. Một hai lần đầu chưa ngon như ý nhưng sau vài lần thì cũng tạm ưng cái bụng.

 

Ở thành phố lớn còn có nhiều lựa chọn, chứ ở các thành phố nhỏ hoặc ở vùng quê thì muốn ăn gì phải tự nấu hết. May mà ở thành phố nào cũng có shop bán đồ châu Á nên việc tìm mua nguyên liệu cũng dễ dàng hơn.

 

Nhiều em kể ở nhà em chẳng phải động đến việc gì cả, có bố mẹ em làm hết, em chỉ việc học thôi, mà sang đây các em ấy chịu đi tìm việc làm thêm, không ngại khó làm những việc vất vả như kitchen hand, bưng bê, làm sơn… kiếm thêm ít thu nhập để trang trải cuộc sống chứ không muốn chờ vào sự trợ cấp hàng tháng của bố mẹ nữa. 

 

Điều đáng nói là ở New Zealand các dịch vụ đều đắt đỏ, nên mọi người có thói quen tự làm (DIY), tự sửa chữa, khó quá mới thuê người làm. 

 

GIÁO DỤC

New Zealand chỉ có 8 trường đại học và tất cả đều là trường công lập. Đặc biệt, tất cả các trường đại học đều nằm trong 500 trường đại học tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng các đại học tốt nhất thế giới QS năm 2016 (QS World University Rankings 2016).

 

Đồng thời, thống kê mới nhất của Bảng xếp hạng các đại học tốt nhất thế giới tính theo ngành học (QS World University Rankings by Subject) cho thấy New Zealand có 22 ngành học thuộc top 50 trên toàn thế giới.

 

New Zealand có 16 học viện kỹ nghệ, giảng dạy các chương trình nghề phù hợp với xu hướng và nhu cầu hiện tại của thị trường lao động, trong đó có khá nhiều ngành “hot” như phi công, hàng không, làm phim, thiết kế đồ họa…

 

Những thông tin trên có lẽ đã phần nào nói lên chất lượng của nền giáo dục New Zealand và danh tiếng đối với bạn bè quốc tế rồi. Điều mình thích là giáo dục New Zealand cân bằng giữa lý thuyết và thực hành, đồng thời khuyến khích sinh viên sáng tạo, tìm tòi những ý tưởng mới.

 

Trường nào cũng có thư viện, địa phương nào cũng có thư viện khang trang, đẹp ấn tượng. Người dân ở đây thích đến thư viện đọc sách, nghiên cứu hoặc đưa con đến chơi.

 

Ở Việt Nam mình rất ít khi đến thư viện của thành phố, thậm chí còn chẳng biết nó ở đâu. Nhưng ở đây mình hay lui tới Auckland Library vì có nhiều quầy sách ngoại văn trong đó có 1 quầy sách tiếng Việt. Mình đã rất ngạc nhiên và thích thú khi khám phá ra điều này.

 

Cuộc sống ở New Zealand như thế nào? (Phần 2)

5 1 Đánh Giá
ĐÁNH GIÁ BÀI VIẾT
Theo dõi
Thông báo
guest
0 BÌNH LUẬN
Phản hồi nội tuyến
Xem hết bình luận